Hôm Nay:

Sử Dụng Cọc Tre

Ngày đăng:
Lượt xem: 3297
Người Đăng: Xe tải Đà Nẵng
Danh Sách Sinh Viên
Cọc tre và cừ tràm là biện pháp truyền thống xử lý nền công trình tải trọng nhỏ trên nền đất yếu. Đóng cọc tre là phương pháp gia cố nền hay dùng trong dân gian đối với móng chịu tải trọng nhỏ như móng nhà dân, móng đường, các công trình cống qua đường.Ở miền nam thường dùng cọc cừ tràm hay cọc tràm thay cho cọc tre do có sẵn.

Cọc tre hay cừ tràm khi được đóng vào nền đất yếu làm cho đất bị chèn ép ra xung quanh, hệ số rỗng e của đất giảm xuống, qua đó làm giảm độ lún và tăng sức chịu tải của nền đất. Thích hợp sử dụng cho khu vực có nền đất yếu với độ sâu không lơn, và tải trọng công trình nhỏ.

Các loại đất yếu dùng thích hợp cho cọc tre và cừ tràm có thể bao gồm các loại cát nhỏ, cát bụi bão hòa nước, các loại đất dính (cát pha, sét pha, sét) ở trạng thái dẻo mềm, dẻo chảy và chảy, các loại đất bùn, đất than bùn và than bùn. Cọc tre và cừ tràm không nên dùng ở những nơi xảy ra hiện tượng động đất và xuất hiện các dạng đất hoàng thổ có tính lún ướt.

1. Về yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng cọc tre hay cừ tràm để xử lý nền đất yếu:

– Tre phải là tre già trên 2 năm tuổi, thẳng và tươi, đường kính tối thiểu phải trên 60mm (thường từ 80-100mm), không cong vênh quá 1cm/1m dài cọc.

– Dùng tre đặc là tốt nhất, độ dày ống tre không nhỏ hơn 10mm. Nếu tre rỗng thì độ dày tối thiểu của ống tre từ 10-15mm, khoảng trống trong ruột tre càng nhỏ càng tốt. Khoảng cách giữa các mắt tre không quá 400mm.

– Đầu trên của cọc tre (luôn lấy về phía gốc) được cưa vuông góc với trục cọc và cách mắt tre 50mm, đầu dưới cọc được vát nhọn trong phạm vi 200mm và cách mắt 200mm để làm mũi cọc.

– Chiều dài mỗi cọc từ 2-3m, chiều dài cọc lớn hơn chiều dài thiết kế 20-30cm.

– Đối với cừ tràm thì gỗ tràm dùng làm cọc phải từ 6 năm tuổi trở lên và đường kính ngọn khi khai thác không được nhỏ hơn 4cm khi chiều dài cọc tràm lớn hơn 4m và không nhỏ hơn 5cm khi chiều dài cọc tràm nhỏ hơn 4m.

– Thân cọc tràm phải thẳng để hạn chế khả năng uốn dọc khi chịu tải trọng. Lõi cọc tràm khi sử dụng phải tươi, không bị mục và không bóc vỏ ngoài.

– Các cọc tràm trước khi dùng phải được tưới ẩm và dưỡng hộ theo các quy định cụ thể trong quy trình thi công.

– Đường kính cọc tràm thường dùng từ 8cm đến 10cm, chiều dài cọc tràm nên chọn từ 3-5m, mật độ cọc tràm (số cọc/m2) tùy theo loại đất và trạng thái của nó cũng như độ lớn của tải trọng mà có thể sử dụng từ 16 cọc/m2 đến 25 cọc/m2.

Tác dụng chính khi sử dụng cọc tre, cừ tràm xử lý nền đất yếu là nén chặt đất yếu, làm giảm hệ số rỗng ban đầu, làm tăng sức chịu tải tổng hợp của đất nền. Chúng làm việc như cọc ma sát chịu nén, khi đó ta tính toán sử dụng cọc tre, cừ tràm như sau:

– Bố trí mạng lưới cọc trên mặt bằng theo hình tam giác, hình vuông hoặc bố trí cọc thành từng cụm nhỏ (7 cọc/1 cụm):


– Số lượng cọc: Hiệu quả xử lý của cọc thể hiện trong tính toán ban đầu thông qua mức giảm hệ số rỗng của đất. Số lượng cọc trên 1 mét vuông (m2) được xác định bằng công thức:


Trong đó: eo: Hệ số rỗng tự nhiên của đất;

etk: Hệ số rỗng sau khi nền đã xử lý;

d: Đường kính cọc (lấy trung bình giữa gốc và ngọn).

Theo kinh nghiệm, thông thường, đối với các loại cát nhỏ, cát bụi ở trạng thái rời và bão hòa nước có thể sử dụng mất độ từ 16 cọc/m2 đến 25 cọc/m2; đối với các loại cát pha và sét pha ở trạng thái dẻo mềm, chảy dẻo hoặc chảy có thể sử dụng từ 25 cọc/m2 đến 36 cọc/m2; còn đối với các loại sét ở trạng thái chảy và các loại bùn sét, đất than bùn và than bùn có thể sử dụng từ 36 cọc/m2 đến 49 cọc/m2.

Tiêu chuẩn 22TCN262 – 2000 “Quy trình khảo sát nền đường ô tô đắp trên đất yếu” quy định: Dùng cọc tre đóng 25 cọc/m2 cho phép thay thế việc đào bớt đất yếu trong phạm vi bằng chiều sâu cọc đóng (thường có thể đóng sâu 2-2,5m). Trên đỉnh cọc tre sau khi đã đắp một lớp đất đắp 30cm nên rải vải địa kỹ thuật (hoặc các loại geogrids có chức năng tương tự để tạo điều kiện phân bố đều tải trọng nền đắp trên các cọc tre. Tương tự, có thể dùng các cừ tràm đóng sâu 3 – 5m với mật độ 16 cọc /m2.

– Khoảng cách bố trí cọc Dc:

Tùy theo mật độ của cọc đóng trong loại đất yếu thích hợp mà khoảng cách giữa các cọc sẽ khác nhau. Để tiện thi công, thông thường các cọc được bố trí theo lưới hình ô vuông.

Bố trí theo lưới ô vuông:
Bố trí theo lưới tam giác đều :

2. Phương pháp thi công: Cọc tre và cừ tràm có thể tiến hành thi công bằng thủ công hoặc bằng máy.

Hạ bằng thủ công: Dùng vồ gỗ rắn loại có trọng lượng 8 – 10kg cho một người hoặc hai người để đóng. Để tránh làm dập nát đầu cọc ta bịt đầu cọc bằng sắt. Cọc đóng xong phải cưa bỏ phần dập nát đầu cọc, nếu cọc chưa xuống sâu mà đầu cọc đã bị dập nát thì nhổ cọc và thay bằng cọc mới hoặc chuyển sang vị trí khác. Trường hợp nền đất yếu bùng nhùng mà khi đóng cọc bằng vồ cọc bị nẩy lên thì hạ cọc bằng phương pháp gia tải, kết hợp rung lắc. Đây là một công việc khó nhọc, tốn khá nhiều công sức và thời gian.
Hạ cọc bằng máy: Có thể dùng máy gầu đào để ép cọc nếu có thể. Ở một số nơi đã cải tiến búa phá bê tông bằng cách chụp thêm một mũ chụp để đóng cọc tre. Máy nén khí trường hợp này dùng loại có công suất nhỏ, áp lực khí nén khoảng bằng 4 – 8atm, một máy nén khí có thể dùng đồng thời cho 5 – 6 máy đóng cọc tre. Phương pháp này thi công nhanh, đỡ vất vả và có thể đóng cọc tre trong hố móng có dưới 20cm nước.
Sơ đồ hạ cọc: Nếu là cụm cọc hoặc ruộng cọc gia cố thì tiến hành đóng từ giữa ra. Nếu là dải cọc hoặc hàng cọc thì đóng theo hàng tuần tự. Đối với cừ kè vách hố đào thì đóng từ hàng cọc xa mép hố đào nhất trở vào.
Cọc tre, cừ tràm là phương pháp xử lý nền đất đơn giản, thi công nhanh chóng nên được sử dụng rộng rãi. Mặt khác, phương pháp này cũng có hiệu quả kinh tế sử dụng vật liệu địa phương.

Tuy nhiên, cọc tre và cừ tràm chỉ thích hợp cho khu vực ẩm ướt thường xuyên, có mực nước ngầm thường xuyên, còn khu vực ẩm ướt thất thường có thể làm cọc bị mục nát, giảm hiệu quả xử lý. Một vấn đề nữa là hiện nay chưa có tiêu chuẩn thống nhất, thiết kế đang mang tích chất kinh nghiệm, đồng thời cọc chủ yếu chỉ chịu được tải trọng thẳng đứng, không thích hợp cho công trình chịu tải trọng ngang lớn. 

KHÁCH HÀNG TIÊU BIỂU

CỌC TRE QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG

Thôn Quan Châu, Xã Hòa Châu, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

Hotline: 09.3535.0111

website: https//:www.coctrequangnamdanang.vn

Đang online: 1


Lượt truy cập: 125229